Skip to Content

Đình Am: Di tích kiến trúc - nghệ thuật độc đáo

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

         Năm 2013, Ban Quản lý di tích tỉnh đã đề nghị xếp hạng cấp tỉnh Bắc Giang 22 di tích và cụm di tích, trong đó có duy nhất đình Am, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang được UBND tỉnh xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật. 

          Đình Am nằm trên một thế đất đẹp, thuộc trung tâm thôn Am, xã Xuân Hương. Đình tọa lạc trên tổng diện tích 1459.9m2 đất, là công trình tín ngưỡng tiêu biểu của nhân dân địa phương. 

         Căn cứ vào nội dung bài vị còn lưu giữ được biết đình Am là công trình tín ngưỡng của nhân dân địa phương được dựng lên để tôn thờ Ngọc Khanh công chúa (công chúa Thiều Dương-con gái thứ 8 của vua Lê Thánh Tông) đã có nhiều công lao với dân tộc. 

         Căn cứ nguồn di sản Hán Nôm hiện lưu giữ tại di tích, các tư liệu cổ hiện có tại địa phương, đặc biệt dòng chữ Hán trên câu đầu tòa đại đình: "Cảnh Thịnh bát niên, tuế thứ Canh Thân, thất nguyệt, sơ bát nhật, Ngọ thời thụ trụ thượng lương đại cát" (Giờ Ngọ, ngày mồng 8, tháng 7 năm Canh Thân, niên hiệu vua Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) dựng thượng lương  cho biết đình Am được tu bổ, tôn tạo vào năm 1800 (Cảnh Thịnh thứ 8) (cuối thời Tây Sơn-đầu thời Nguyễn). 

         Đình được xây dựng với quy mô to lớn, bề thế mang đặc trưng của ngôi đình cổ xứ Bắc gồm: Ba gian hai chái tòa đại đình và một gian hai chái tòa hậu cung tạo cho bình đồ kiến trúc hình chữ nhị. Đặc biệt khi đến di tích đình Am du khách không thể không quan tâm đến các chi tiết chạm khắc vô cùng tinh xảo. Các chi tiết chạm khắc dày đặc trên các đầu bẩy, kẻ hiên, đầu dư, tai cột cái, trên cửa võng, thiết trần... mang đậm phong cách nghệ thuật chạm khắc thời Lê-Nguyễn. 

         Nét kiến trúc mang phong cách thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) được thể hiện trên các đầu kẻ, bẩy hiên chạm khắc hình tượng tứ linh chung sống hòa bình cùng những con vật rất bình thường gần gũi với người dân nông nghiệp: Con cua, con cá, con ốc, con tôm và có cả con nai... đường nét tinh xảo, mềm mại, xen lẫn hình vân mây, lưỡi mác mang đậm nét nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. 

         Đặc biệt, bốn cột cái tòa đại đình có gắn 4 tai cột. Trên các tai cột có gắn mảng chạm khắc độc đáo, hiếm gặp tại các di tích của huyện Lạng Giang nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung. Đó là hình tượng tiên cưỡi cá chép hóa rồng, cụm hoa lá, bông sen trên lưng rùa, mục đồng thổi sáo ngồi trên lưng chim phượng, vị quan che lọng ngồi trên lưng con lân... các nét chạm khắc vô cùng vui tươi, sống động... với nghệ thuật chạm nổi khối với các đường nét chắc, khỏe tạo hình lưỡi mác tù mang đậm phong cách thời Lê Trung Hưng. 

(Tư liệu Video Đình Am)

         Ở mảng chạm khắc trên tai cột thứ nhất: Hình tượng tiên cưỡi cá chép hóa rồng với nghệ thuật chạm nổi khối, các nghệ nhân dân gian xưa đã thổi hồn vào các thớ gỗ tạo lên hình ảnh sống động: Cá chép mặt ngửa, vươn đuôi ra sau đỡ lấy vị tiên với khuôn mặt hiền từ, trên tay cầm báu vật, các đường nét chạm nổi khối to, khỏe, vây, đuôi như những lưỡi mác tù bay ngược ra sau với thế bay lên. 

         Ở mảng chạm khắc trên tai cột thứ hai: Hình tượng một vị quan che lọng ngồi trên lưng con lân, các đường nét được tạo lên nhờ nghệ thuật chạm nổi khối, nghệ nhân xưa tạo hình lân chân có móng, thân mập, râu tạo khối chắc khỏe, tóc, đuôi hình lưỡi mác tù bay ngược ra sau tạo vẻ dữ tợn mang lại uy quyền cho vị quan đang ngồi dưới lọng ung dung gảy đàn. 

         Ở mảng chạm khắc trên tai cột thứ ba: Hình tượng cụm hoa lá, bông sen trên lưng rùa với đường nét to, mập, hình ảnh hoa sen, lá sen, nụ sen sống động. Hình ảnh rùa với dáng vẻ chịu đựng, nhẫn lại được thể hiện khá rõ nét. 

         Ở mạng chạm khắc trên tai cột thứ tư: Hình tượng mục đồng thổi sáo ngồi trên lưng chim phượng. Chim phượng được đặt trên bệ sen sải rộng cánh ôm lấy cậu bé đang ngồi khoanh chân, khuôn mặt ngây thơ, vui tươi đang say sưa thổi sáo. Các đường nét chạm chắc khỏe, cánh chim, lông chim hình lưỡi mác tù nhưng không hề nặng nề mà vẫn thanh thoát, nhẹ nhàng. 

         Nét chạm khắc mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX) được thể hiện trên bức cửa võng và lòng giếng, thiết trần của tòa đại đình: Chạm khắc đề tài tứ linh: Long, ly, quy, phượng, hình chim hạc, hoa dây, hình vân mây, lá cúc lật... Thiết trần, lòng giếng đình Am mang giá trị hội họa tinh xảo. Các chi tiết được vẽ, bố trí hài hòa. Các đường nét hội họa phong phú, đề tài trang trí là lưỡng long chầu nhật, xung quanh tạo hình mây cụm, hình tượng rồng với mắt lồi, trên thân có vẩy, dâu tốc vuốt ngược ra sau tạo dáng vẻ dữ tợn mang đậm phong cách thời Nguyễn đem lại cho di tích đình Am giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. 

         Trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật được chạm khắc tinh xảo, sơn thếp lộng lẫy có giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật cao như: Ngai thờ, bài vị, cửa võng, kiệu song hành, bát hương gốm… có niên đại thế kỷ XVIII-XIX. 

         Từ xưa tới nay, đình là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống. Lễ hội lớn của đình được tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng và ngày 13 tháng 8 âm lịch. Ngoài phần lễ cúng tế Thành Hoàng làng, phần hội còn tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: Cướp cầu cạn, vật, chọi gà... 

Trần Thùy Nhung

(Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang)

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Video Video

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

User Online: 19,717
Total visited in day: 669
Total visited in Week: 3,397
Total visited in month: 74,970
Total visited in year: 601,998
Total visited: 4,229,381