Truy cập nội dung luôn

Huyện Lạng Giang: Huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

          Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bắc Giang, Lạng Giang là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Huyện đã và đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, tranh thủ tối đa các nguồn lực, phấn đấu trở thành đô thị xanh, bền vững.


Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đi qua Khu công nghiệp Tân Hưng, huyện Lạng Giang

          Cực tăng trưởng kinh tế phía Bắc tỉnh

          Lạng Giang là một trong 4 huyện, thành phố của tỉnh Bắc Giang được xác định là trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội; trung tâm huyện cách không xa các khu công nghiệp (KCN), đô thị lớn của “Tam giác kinh tế phát triển”: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Huyện cũng là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh có hệ thống giao thông đa dạng: Đường sông (sông Thương); đường sắt (Hà Nội - Đồng Đăng, Yên Viên - Hạ Long); đường cao tốc (Bắc Giang - Lạng Sơn), các tuyến quốc lộ (quốc lộ 1A, quốc lộ 31, quốc lộ 37),... Trong đó, quốc lộ 1A, quốc lộ 31 và đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn lên cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược 2 hành lang, 1 vành đai kinh tế của Chính phủ trong việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Đặc biệt, hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng đi vào hoạt động đã giúp địa phương phát triển sản xuất hàng hoá và giao lưu kinh tế trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

          Trên địa bàn huyện hiện có KCN Tân Hưng với diện tích 105ha; 09 cụm công nghiệp (CCN) đã được thành lập, với tổng diện tích khoảng 353ha. Định hướng quy hoạch đến năm 2040, Lạng Giang xây dựng 04 KCN mới là: KCN - đô thị - dịch vụ Nghĩa Hưng; KCN Mỹ Thái - Xuân Hương - Tân Dĩnh; KCN Thái Đào - Tân An và KCN Mỹ Thái; KCN An Hà. Tổng diện tích KCN nằm trên địa bàn huyện khoảng 1.200ha; thành lập mới 02 CCN là: CCN Tân Quang Thịnh (tại xã Tân Thịnh và Quang Thịnh) 25ha; CCN Đào Mỹ - Tiên Lục quy mô khoảng 60ha.

          Bên cạnh đó, quỹ đất bằng phẳng của Lạng Giang tương đối lớn, lực lượng lao động chiếm tỷ lệ cao. Có khoảng 130.000 lao động trong độ tuổi, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 80%.

          Phát huy những tiềm năng, thế mạnh này, thời gian qua, huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp – đô thị - dịch vụ và đạt nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn năm 2021 - 2022, giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng bình quân 14,6%/năm, nằm trong top đầu của tỉnh. Năm 2023, Lạng Giang hoàn thành vượt mức 10/10 nhiệm vụ trọng tâm tỉnh giao. Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất đạt 14,66% (vượt chỉ tiêu đề ra). Thu ngân sách trên địa bàn vượt 2,7% so dự toán được giao - đạt 1.078,8/1.050,3 tỷ đồng.

          UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập 03 CCN gồm: Đại Lâm 2, Hương Sơn 2, Phương Sơn - Đại Lâm. Riêng KCN Tân Hưng, đến nay đã thu hút được 16 nhà đầu tư thứ cấp đăng ký đầu tư sản xuất, với tổng số vốn đăng ký khoảng 5,7 nghìn tỷ đồng (tỷ lệ nhà đầu tư đăng ký đạt trên 95% diện tích). Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa – xã hội, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Giáo dục - đào tạo luôn đứng top đầu của tỉnh; nhiều đơn vị được ngành dọc xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nằm trong top đầu tỉnh.

          Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Kết quả đạt được là nền tảng, động lực cơ bản để Lạng Giang tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành trung tâm phát triển năng động phía Bắc của tỉnh trong tương lai gần.


Khu đô thị phía Tây thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang

          Hướng đến đô thị xanh, giàu bản sắc

          Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, thời gian qua, công tác kiến thiết, chỉnh trang đô thị được quan tâm, đầu tư hiện đại, đồng bộ. Huyện tiếp tục đầu tư hoàn thiện 12 tuyến đường trọng điểm để kết nối giao thương giữa các vùng miền và các huyện, thành phố lân cận. Đến nay, thị trấn Vôi đạt 82,43 điểm, thị trấn Kép đạt 66,92 điểm so với tiêu chí đô thị loại IV. Các xã xây dựng đô thị loại V đạt cao nhất là xã Tân Dĩnh (đạt 72,32 điểm). Ngoài ra, huyện cũng đã hoàn thành việc lập điều chỉnh quy hoạch vùng huyện Lạng Giang đến năm 2040 và 02 đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung của thị trấn Vôi và thị trấn Kép. Hoàn thành quy hoạch chung các xã đến năm 2040.

          Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bằng cho biết: Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Giang được định hướng xây dựng, phát triển trở thành đô thị xanh, giàu bản sắc, là trung tâm logistics vùng và cực tăng trưởng kinh tế quan trọng phía Bắc của tỉnh. Từ định hướng này, thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung các nguồn lực phát triển đô thị, hạ tầng giao thông, công nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư.

          Về phát triển ngành công nghiệp, Lạng Giang thu hút những ngành công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, giá trị gia tăng cao, tạo tăng trưởng đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Tập trung phát triển các ngành: Sản xuất linh kiện điện tử, may trang phục, cơ khí, sản xuất, chế biến thực phẩm,... phấn đấu trở thành trung tâm giao thương, đầu mối giao thông lớn của tỉnh và vùng.

          Lĩnh vực du lịch - dịch vụ, phát huy giá trị các không gian du lịch tổ chức các tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao giải trí gắn với cảnh quan sinh thái hồ, rừng, kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vùng vườn đồi cây ăn quả đặc sản,...

          Trong nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Ưu tiên phát triển nông nghiệp hiện đại, sạch thân thiện với môi trường.

          Đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, Lạng Giang sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch. Năm 2023, Bộ phận một cửa cấp huyện được xếp thứ 1/10 huyện, thành phố (tăng 3 bậc so với năm 2022), kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 đứng thứ 2/10 huyện, thành phố (tăng 01 bậc so với năm 2022).

          “Các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm, chung tay hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết những khó khăn, vướng mắc chi tiết đến từng dự án, đặc biệt trong quá trình giải phóng mặt bằng, các thủ tục về đất đai, xây dựng, đầu tư,… đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Văn Bằng khẳng định.

 

Hoài Nam (Vietnam Business Forum)

Thứ bảy, 04 Tháng 05 Năm 2024

Video Video

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 6,013
Tổng số trong ngày: 794
Tổng số trong tuần: 28,576
Tổng số trong tháng: 12,798
Tổng số trong năm: 539,826
Tổng số truy cập: 4,167,209