Truy cập nội dung luôn

Giới thiệu chung huyện Lạng Giang

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+

Lạng Giang là huyện miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm thành phố Bắc Giang 10 km. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 246,06 km2, được chia thành 21 đơn vị hành chính gồm 19 xã và 2 thị trấn; dân số trên 20 vạn người với 8 dân tộc chung sống là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Mường và Hoa, trong đó người Kinh chiếm 87%. Huyện có đường Quốc lộ 1A (tuyến Hà Nội- Lạng Sơn), các tuyến đường sắt: Hà Nội- Lạng Sơn, Kép - Quảng Ninh, Kép – Lưu Xá chạy qua trung tâm và hệ thống các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ chạy đan xen tới các khu dân cư, tạo cho Lạng Giang một mạng lưới giao thông thông suốt, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và giao lưu văn hoá. Với vị trí địa lý thuận lợi, hiện nay Lạng Giang là một trong 04 huyện, thành phố của tỉnh được xác định là vùng trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội (Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang và thành phố Bắc Giang.  

Huyện Lạng Giang hiện có 225 di tích trong đó 105 di tích xếp hạng (19 di tích cấp bộ và 86 di tích cấp tỉnh) Tiêu biểu có các di tích như: du lịch đình, đền, chùa Chu Nguyên (Thị trấn Vôi), cụm di tích Cây Dã Hương gắn với đình, chùa xã Tiên Lục, chùa Quất Lâm (Đại Lâm), đền Từ Mận (Xuân Hương), chùa Đại Phú (thị trấn Vôi), đình, nghè Liên Xương (Xương Lâm), Đình - Chùa Làng Dương Quan Hạ (Dương Đức), chùa Hồng Phúc (Thị trấn Kép), đình Phù Lão (Đào Mỹ).. Lạng Giang vẫn duy trì được các câu lạc bộ văn nghệ mang tính đặc trưng như: Hát Then Soong cô xã Hương Sơn, hát quan họ TDP Phú Độ thị trấn Vôi, CLB chèo xã An Hà và CLB Violon xã Thái Đào.      

Lạng Giang là vùng đất  giàu truyền thống cách mạng, nổi tiếng với chiến thắng Cần Trạm - Hố Cát - Xương Giang trong cuộc kháng chiến chống quân Minh giữa thế kỷ XV. Trải qua thời gian lịch sử, Lạng Giang tuy có nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi khác nhau để phù hợp với từng thời kỳ lịch sử. Song ở thời kỳ nào nhân dân các dân tộc huyện Lạng Giang luôn phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất.

          Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Lạng Giang cũng là nơi sớm tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin và con đường cách mạng vô sản do đồng chí Nguyễn Ái Quốc lựa chọn và truyền bá về nước. Cuối năm 1938, chi bộ Phủ Lạng Thương được thành lập. Chi bộ Phủ Lạng Thương được coi như một Ban cán sự Đảng của tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh. Trong những năm thực hiện chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh, phong trào cách mạng ở Phủ Lạng Giang đã trưởng thành nhanh chóng, tạo điều kiện bảo vệ và củng cố cơ sở cách mạng tiến tới giành chính quyền. Bằng cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân các dân tộc Phủ Lạng Giang đã cùng nhân dân cả nước đập tan xiềng xích của thực dân, phong kiến, mở ra kỷ nguyên nhân dân lao động thực sự làm chủ đất nước; nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, là Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày 25/3/1948, Chủ tịch Nước đã ra Sắc lệnh số 148-SL, bãi bỏ các danh từ phủ, châu, quận đổi thành huyện. Phủ Lạng Giang đã được đổi tên thành huyện Lạng Giang.

          Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, quân và dân huyện Lạng Giang đã đoàn kết, tích cực tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hăng hái tăng gia, thi đua lao động sản xuất, làm tốt công tác hậu phương quân đội. Nơi đây đã nổi tiếng với phong trào hội mẹ chiến sĩ, phụ nữ ba đảm đang; phong trào xây dựng tổ đổi công… Đảng bộ và nhân dân Lạng Giang đã có hàng chục ngàn ng­ười con ­ưu tú tham gia chiến đấu dũng cảm và phục vụ chiến đấu, lập công xuất sắc, toàn huyện có 2745 người con của quê hương đã anh dũng hi sinh; 1598 người là thương binh, 685 người là bệnh binh và nhiều người bị tù đày trong các nhà tù của thực dân đế quốc; hơn 200 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu "bà mẹ việt nam anh hùng"; 12 tập thể, 4 cá nhân được Đảng, nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lực lượng công an nhân dân; có hàng nghìn gia đình có công với nước, … Nhiều tên đất, tên ngư­ời đã đi vào lịch sử của dân tộc, của quê hương Lạng Giang, trở thành biểu t­ượng của tinh thần chiến đấu ngoan cường, quả cảm và tình đoàn kết quân dân, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Lạng Giang hôm nay và mãi mãi mai sau.

Về tình hình phát triển kinh tế xã hội, tại kỳ họp thứ 4- kỳ họp HĐND huyện Lạng Giang khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đánh giá toàn diện, sâu sắc, tình hình kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện, nhiều lĩnh vực có bước phát triển. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu tăng 27,3%. Trong đó: Nông - Lâm nghiệp và Thủy sản tăng 2,35%; Công nghiệp- xây dựng tăng 47,9%; dịch vụ tăng 12,6%. Các nhiệm vụ tạo đột phá của huyện như công tác quy hoạch, phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông... Điểm nổi bật nhất trong chỉ đạo, điều hành của UBND huyện là đã tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất; tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào địa bàn. Quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án phục vụ phát triển công nghiệp. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội có bước phát triển, chính sách an sinh xã hội triển khai và thực hiện có hiệu quả, đời sống nhân dân ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Từ năm 2019, huyện Lạng Giang đã được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới và để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025, các cấp, các ngành huyện Lạng Giang đã và đang tập trung cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, xác định lộ trình, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Với mục tiêu “Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng huyện Lạng Giang trở thành huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, đạt các tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2030”. Xác định mục tiêu là đưa thị trấn Kép phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại IV. Thực hiện Kế hoạch về nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu và thôn nông thôn mới kiểu mẫu, giai đoạn 2020-2025. Sau hai năm, hiện nay huyện có 4/19 xã về đích NTM nâng cao, 39/95 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Việc phát triển đô thị được tập trung chỉ đạo, thực hiện. Huyện quan tâm bố trí ngân sách thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng, nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Lạng Giang thành huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025 và đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2030. UBND huyện quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã thị trấn thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công trong các Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy, tạo tiền đề và động lực quan trọng trong thúc đẩy và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2021- 2025.

Tin rằng với sự quan tâm lãnh chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Huyện ủy, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, huyện Lạng Giang sẽ đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực, các phong trào thi đua và trên chặng đường xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Qua đó nâng vị thế của huyện, xứng đáng với truyền thống quê hương Lạng Giang Anh hùng thời kỳ đổi mới.

 

Phòng Văn hóa và Thông tin

Thứ bảy, 27 Tháng 04 Năm 2024

Video Video

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,339
Tổng số trong ngày: 3,024
Tổng số trong tuần: 30,076
Tổng số trong tháng: 118,664
Tổng số trong năm: 510,376
Tổng số truy cập: 4,137,759